Đó là nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo Nhìn lại chính sách tài chính, tiền tệ với mục tiêu kiểm soát lạm phát vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức.
Nợ xấu: Rất lớn và nguy hiểmMặc dù hiện nay, con số công bố nợ xấu là rất khác nhau, nhưng với cách tính toán riêng, các chuyên gia đều đồng quan điểm con số này rất lớn và rất nguy hiểm.
Theo TS. Quách Mạnh Hào, nếu căn cứ vào số liệu năm 2010 của 41 ngân hàng có số liệu, tổng vốn chủ sở hữu là 267.066 nghìn tỷ đồng, trong khi tổng dư nợ vào khoảng 1.912.158 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ vốn chủ sở hữu so với dư nợ bằng 13,97%.
Nhìn vào số liệu năm 2011, tổng giá trị vốn chủ sở hữu của 18 ngân hàng có số liệu theo dõi là 185.248 tỷ đồng trong khi tổng dư nợ là 1.316.635 tỷ đồng thì tỷ lệ vốn chủ sở hữu so với tổng dư nợ vào khoảng 14,07% trung bình. Con số này chỉ cao hơn một chút so với tỷ lệ nợ xấu, nghĩa là nợ xấu chỉ cần tăng tới 14% là hệ thống ngân hàng đã có nguy cơ mất toàn bộ vốn. Như vậy, “hiện tại hệ thống ngân hàng đã chịu rủi ro mất tới hơn 60% vốn hoặc hơn 60% ngân hàng chịu rủi ro mất toàn bộ vốn”, ông Hào cho hay.
Dựa trên số liệu công bố của Ngân hàng Nhà nước, TS. Cấn Văn Lực tính toán, tính đến hết tháng 9/2012, tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế khoảng 2,88 triệu tỷ đồng, giả định nợ xấu chiếm khoảng 10%, thì con số nợ xấu sẽ tương đương 290 ngàn tỷ đồng. Nếu trừ đi số nợ đã xử lý là 12 ngàn tỷ đồng thì còn 278 ngàn tỷ đồng. Trên cơ sở quỹ dự phòng rủi ro hiện có của ngân hàng vào khoảng 75 ngàn tỷ đồng, nếu sử dụng hết số quỹ này, thì số nợ xấu còn 203 ngàn tỷ đồng.
Trong số 203 ngàn tỷ đồng nợ xấu, nợ xấu có tài sản đảm bảo chiếm 73%, tương ứng với số tiền là 148.190 tỷ đồng; nợ xấu không có tài sản đảm bảo chiếm 27% tương ứng với số tiền là 54.810 tỷ đồng. Dư nợ có tài sản đảm bảo bằng bất động sản chiếm 66% ước tính vào khoảng 97.805 tỷ đồng và số nợ còn lại sau khi xử lý hết tài sản đảm bảo là 34.232 tỷ đồng.
Như vậy, tổng nợ xấu cần xử lý sau khi dùng hết quỹ dự phòng rủi ro và tài sản đảm bảo là bất động sản thì vẫn còn 89.042 tỷ đồng.
“Với số nợ xấu gần 90 ngàn tỷ đồng không có tài sản đảm bảo, thì cần từ 100-120 ngàn tỷ để xử lý. Đó là chưa kể đến nợ đọng xây dựng cơ bản ước khoảng 93.000 tỷ đồng”, ông Lực nói thêm.
Các chuyên gia cũng đồng quan điểm rằng, con số nợ xấu quá lớn hiện nay đã vượt quá khả năng xử lý của các ngân hàng.
Vì đâu nên nỗi?Đánh giá nợ xấu của ngân hàng, TS. Quách Mạnh Hào liên tưởng, tình trạng nợ xấu xuất phát từ mô hình kinh doanh ngân hàng quá rủi ro trong một thời gian dài làm người ta liên tưởng tới mô hình lừa đảo đa cấp Ponzi nổi tiếng thế giới.
Mô hình này được sử dụng để ám chỉ hình thức kinh doanh lừa đảo, trong đó, kẻ bày trò là người thu tiền của người này để trả cho người kiamà không thực hiên bất cứ một hoạt động đầu tư sinh lời nào. Mô hình Ponzi sẽ khó bị phát hiện nếu người cũ không rút ra và người mới cứ gửi tiền vào.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, các ngân hàng bị sa lầy vào các dự án dài hạn phát sinh nợ xấu và do vậy không thể dùng tiền đầu tư để hoàn trả cho các khoản tiền gửi đến hạn. Một cách truyền thống, họ buộc phải thực hiện việc huy động tiền của người này để trả cho người kia bằng mọi giá, đẩy cuộc đua lãi suất lên cao và làm cho thị trường liên ngân hàng trở thành nơi kinh doanh béo bở cho một số ngân hàng lớn. Các ngân hàng nhỏ không ngại trong cuộc đua này bởi họ được bảo đảm rằng, trong tương lai rằng sẽ không có ngân hàng nào phá sản.
“Chính hành động bảo lãnh vô tình tạo ra môi trường tuyệt vời khuyến khích các hành vi rủi ro trong nền kinh tế”, ông Hào thẳng thắn.
Đó cũng là lý do khiến nhiều ngân hàng bằng mọi giá huy động lãi suất cao trong năm 2011 và đầu năm 2012. Trong khi người gửi tiền chỉ quan tâm tới lãi suất mà bỏ qua đánh giá rủi ro, và hệ thống ngân hàng tồn tại một thị trường trung gian trong đó các ngân hàng lớn kinh doanh đôi với các ngân hàng nhỏ hơn, làm tăng chi phí đối với người đi vay cuối cùng trong nền kinh tế.
Hậu quả là mặt bằng lãi suất cho vay thương mại của nền kinh tế có những thời điểm lên tới 25-30%, lãi suất huy động lên tới 18-20% và các báo cáo đưa ra con số doanh nghiệp nhỏ phá sản tới 70%, các đường dây tín dụng đen bị đổ bể.
Bức tranh hệ thống ngân hàng Việt Nam trong thời gian vừa qua được vẽ bởi các đặc điểm cơ bản sau: các ngân hàng huy động ngắn hạn cho vay dài hạn một cách lỏng lẻo do các quan hệ chồng chéo và công ty con cháu đã dẫn tới nợ xấu. Khi lãi suất tăng lên mức báo động thì suy giảm tín dụng xảy ra càng làm cho nợ xấu thêm trầm trọng.
Giải bài toán nợ xấu không đơn giảnTS. Quách Mạnh Hào cho biết, giải bài toán nợ xấu không hề đơn giản và tốn phí về mặt tài chính và thời gian. Lộ trình 3 năm để giải quyết nợ xấu như Chính phủ đưa ra là không dễ dàng bởi các chiến lược và kế hoạch thực hiện tổng thể chưa thực sự rõ ràng.
Để giải quyết nợ xấu, theo TS. Hào phải các định được mức độ và nguyên nhân của nợ xấu trước khi thực hiện và sẵn sàng cho việc phá sản một số ngân hàng yếu kém; sau đó sáp nhập các ngân hàng nên được thực hiện theo tiêu chí sự hòa hợp về mô hình kinh doanh hơn là chi là căn cứ vào yếu tố mạnh - yếu.
Còn theo TS. Cấn Văn Lực, để giải quyết nợ xấu không chỉ có giải pháp thành lập công ty xử lý nợ xấu quốc gia mà cần thực hiện đồng bộ 7 giải pháp sau:
Thứ nhất, giải quyết tồn kho về hàng hóa. Theo đó, tăng xúc tiến thương mại trong và ngoài nước; chấp nhận giảm giá, khuyến mại, nghiên cứu áp dụng hàng rào kỹ thuật cho phép, bê thông hóa đường xá, thủy lợi; liên kết kinh doanh. Đặc biệt tăng truyền thông củng cố niềm tin.
Thứ hai, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Theo đó giảm cung phân khúc cao cấp, không cấp phép mới, rút phép chủ đầu tư thiếu tiềm lực; đồng thời kích cầu: miễn, giảm thuế mua căn nhà đầu tiên, ưu tiên cho vay mua nhà ở, tiếp tục đẩy mạnh gói “4 nhà”, điều chỉnh linh hoạt tỷ trọng cho vay bất động sản; Cải thiện hành lang pháp lý bất động sản: Khuyến khích M&A, chuyển nhượng dự án; thành lập định chế tái tài trợ cho vay nhà ở…
Thứ ba, có 6 phương thức để xử lý nợ xấu. Bao gồm: (1) Cơ cấu lại nợ; (2) miễn giảm lãi và phí tín dụng; (3) Mua bán nợ (thành lập VAMC, chứng khoán hóa nợ xấu); (4) Sử dụng quỹ dự phòng rủi ro của các ngân hàng thương mại để xử lý; (5) Xử lý, phát mại tài sản bảo đảm để thu hồi nợ; (6) Chuyển nợ thành vốn góp.
Thứ tư, đẩy nhanh, dứt điểm tái cơ cấu tổ chức tín dụng. Việc tái cấu trúc hiện này còn rất chậm do nhiều thông tin như: thiếu thông tin, thanh tra Ngân hàng Nhà nước còn mỏng…
Thứ năm, thúc đẩy tái cơ cấu DNNN;
Thứ sáu, đẩy nhanh tái cơ cấu đầu tư công gồm cả việc xử lý nợ tồn đọng xây dựng cơ bản khoảng 93.000 tỷ đồng.
Thứ bảy, tăng cường cơ chế, công cụ phòng ngừa rủi ro trong tương lai.