vision of Mr sith about Onecoin vision of Mr sith about Onecoin Author
Title: Blockchain - Xu hướng mới trong tương lai.
Author: vision of Mr sith about Onecoin
Rating 5 of 5 Des:
(PCWorldVN) Những xu hướng công nghệ mới đang làm thay đổi nền kinh tế thế giới từ điện toán đám mây cho đến IoT. Đối với lĩnh vực tài chính...
(PCWorldVN) Những xu hướng công nghệ mới đang làm thay đổi nền kinh tế thế giới từ điện toán đám mây cho đến IoT. Đối với lĩnh vực tài chính thì blockchain – khối chuỗi được xem như một xu hướng mới trong tương lai.

Cách đây hơn 20 năm, Internet xuất hiện không chỉ phục vụ cho việc gửi email hay tải phần mềm mà nó còn là động lực để phát triển nền kinh tế toàn cầu. Trong thực tế, Internet đã trở thành trình điều khiển của nền kinh tế. Một báo cáo gần đây của hãng nghiên cứu Pricewaterhouse Coopers đã ước tính rằng 6,7 nghìn tỷ USD sẽ được tạo thêm cho nền kinh tế toàn cầu khi 4 tỷ người còn chưa kết nối được sử dụng Internet. Cũng giống như Internet, blockchain xuất phát như một trào lưu với đồng tiền ảo Bitcoin. Nhưng giá trị Bitcoin chưa đủ để công nghệ này trở thành một phần tương lai của ngành tài chính, vậy đâu là điểm mấu chốt của blockchain?

Sự phát triển của Internet cũng đồng hành với những tổn thất sau các cuộc tấn công mạng, gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế cũng như xã hội. Theo cuộc khảo sát của hãng phân tích Grant Thornton, khoản tiền mà doanh nghiệp mất vào tay tin tặc ở Châu Á-Thái Bình Dương lên tới 81,3 tỉ đô la trong vòng 12 tháng (tính đến cuối tháng 9/2015). Mức tổn thất từ các đợt tấn công mạng ở châu Á nhiều hơn Bắc Mỹ tới 20 tỉ USD và EU với con số tương tự, và chiếm đến hơn 25% tổng mức tổn thất của thế giới (315 tỉ USD)...

Tại Việt Nam cũng xảy ra tình trạng mất an toàn với các tài khoản gửi ngân hàng, điển hình như vụ tấn công vào Vietcombank. Hãng bảo mật Kaspersky cho biết có 55,5% số người tham gia cuộc khảo sát ở Việt Nam đang lo lắng về tình trạng lừa đảo liên quan đến ngân hàng trực tuyến.

Hồi cuối tháng 4 vừa qua, thông tin về việc Ngân hàng Trung ương Bangladesh bị tin tặc cuỗm 81 triệu USD gây chấn động thế giới là một bài học cho bất cứ tổ chức nào. Sự cố xảy ra được cho là do Ngân hàng nước này sử dụng bộ định tuyến cũ giá 10 USD mà không có bất cứ một hệ thống tường lửa nào. Số tiền tổn thất trong vụ này có thể lên đến hơn 1 tỷ USD nếu như tin tặc không viết sai lỗi chính tả.

Từ những rủi ro từ an ninh mạng nên các tổ chức tài chính cần những công nghệ mới, ví dụ như nền tảng của đồng tiền ảo Bitcoin, là chính là blockchain, được kì vọng không chỉ nhằm cắt giảm chi phí ngân hàng mà còn đảm bảo tính an toàn và xa hơn nữa thậm chí cách mạng hóa các giải pháp bảo mật.

Nguồn gốc của đồng tiền điện tử


Tiền điện tử hay còn gọi là đồng tiền mã hóa (cryptocurrency) là một phương thức trao đổi, trong đó sử dụng mật mã để đảm bảo an toàn giao dịch và kiểm soát các đơn vị tiền mới được tạo ra.

Tiền điện tử nổi lên từ năm 2009 với đồng Bitcoin và hàng chục biến thể khác, được giới công nghệ khá ưa chuộng. Mặc dù có nhiều tai tiếng trong phương thức sử dụng nhưng đây được xem như một khởi đầu mới của giao dịch điện tử. Tiền điện tử chia ra làm 2 dạng chính: nguồn tiền có giới hạn (ví dụ như Bitcoin và litecoin) hay không giới hạn về sản xuất tiền tệ (như peercoin và dogecoin). Dù vậy cả 2 dạng này đều sử dụng chung một phương pháp duy nhất về lưu trữ lịch sử giao dịch của đồng tiền.

Giao dịch giữa các ngân hàng thường diễn ra thông qua một hệ thống bản ghi trung tâm hoặc hệ thống thanh toán bù trừ, đảm bảo mỗi đồng tiền được luân chuyển đến đúng địa chỉ cuối cùng. Nhưng các nhà phát triển Bitcoin (ngoại trừ nhà tạo ra Bitcoin còn gây tranh cãi) thì đã có hướng đi khác biệt khi lựa chọn hệ thống mở của mạng kết nối hoặc “phân phối” sổ cái hoặc cơ sở dữ liệu được gọi là “blockchain” để theo dõi mọi giao dịch Bitcoin. Blockchain thậm chí còn là một công nghệ tiên tiến hơn.

Quay ngược lại thời gian trước đây, khi Napster xuất hiện với dịch vụ chia sẻ file ngang hàng bất hợp pháp (peer-to-peer) tiên phong từ năm 1999, cung cấp truy cập miễn phí tới hàng triệu bài hát. Công nghệ chia sẻ ngang hàng đã trở thành nguồn cảm hứng cho hàng loạt ứng dụng, dịch vụ sau này từ Skype, Spotify và nay là đồng tiền điện tử Bitcoin.

Nhưng đối với Bitcoin, công nghệ mạng ngang hàng được mở rộng hơn rất nhiều khi khả năng kiểm tra và cân bằng của hệ thống, kết hợp với việc phân cấp sử dụng peer-to-peer để bảo vệ blockchain, đảm bảo không một người nào có thể kiểm soát nó, ít nhất là trên lý thuyết. Báo cáo ngày nay chỉ ra rằng 80% đồng Bitcoin được khai thác ở 4 “mỏ” chính và một số khác ở Trung Quốc.

Blockchain là gì?

Đối với đồng Bitcoin, về bản chất blockchain là một cuốn sổ cái được chia sẻ minh bạch mà nhiều người dùng có khả năng theo dõi và cùng quản lý. Bất cứ lúc nào một Bitcoin được chi tiêu, một giao dịch được tạo ra, người dùng có thể tìm thấy các thông tin chi tiết như người chi, người nhận và số tiền Bitcoin giao dịch.

Tuy nhiên, để đảm bảo tính hợp pháp của Bitcoin, giao dịch chính được đảm bảo bằng kỹ thuật mã hóa với chữ ký bí mật gọi là “chìa khóa riêng tư - private key” được giữ trong ví Bitcoin của người dùng, cùng với số Bitcoin của họ. Thông thường phải mất mười phút để hệ thống xác nhận một giao dịch nhưng khi đã xác nhận thì ngay sau đó nó sẽ được thêm vào một “block - khối”. Các khối được liên kết theo thời gian để duy trì tính thống nhất và toàn vẹn của hệ thống, tạo ra chuỗi các khối được gọi là “blockchain”.

Điều gì làm những đồng tiền điện tử như Bitcoin vốn độc nhất lại có thể được tất cả người dùng có thể thiết lập và bắt đầu xử lý các giao dịch này để tiếp tục phát triển blockchain, quá trình được gọi là “khai thác” Bitcoin.

Chúng ta có thể nghe nói về những người đam mê công nghệ mở “ngân hàng máy tính” để tạo ra các “mỏ” Bitcoin (mine Bitcoin), trên thực tế những người này không khai thác mà đúng hơn là họ đang xử lý hoặc xác nhận các giao dịch và từ đó thu về những khoản lệ phí bằng Bitcoin. Ngoài việc khai thác thì Bitcoin còn có thể kiếm được thông qua giao dịch tiền tệ truyền thống. Điều quan trọng khác là blockchain Bitcoin có thể truy cập đến bất cứ ai, bởi vì một khi blockchain được tạo ra, hệ thống mật mã và bản chấn peer-to-peer khiến không một ai có thể thay đổi khối chuỗi đó và được xác nhận 1 bằng một hồ sơ vĩnh cửu.

Tại sao các tổ chức tài chính lại quan tâm tới blockchain


Chính phủ một số nước và các tổ chức tài chính đang làm ấm lên những ý tưởng đến từ đồng tiền điện tử, nhưng chính sự nhiệt tình của người chơi tài chính hàng đầu thế giới mới làm cho công nghệ blockchain được lan truyền một cách mạnh mẽ.

Blockchain được xem như là một cách để cắt giảm chi phí và thời gian thanh toán bù trừ giao dịch liên ngân hàng, cũng như tạo ra hệ thống an toàn hơn. Tại thời điểm này, nhiều tổ chức tài chính đang có cuộc chiến tranh giành nhau nhằm hình thành các liên minh mới để thương mại hóa công nghệ blockchain. Đáng kể nhất chính là liên minh R3 của 3 ngân hàng lớn nhất của nước Úc bao gồm Westpac, Commonwealth, NAB cùng với 40 ngân hàng và hàng loạt tổ chức tài chính khác trên toàn thế giới.

Thử nghiệm về công nghệ đồng tiền điện tử đã được ngân hàng Commonwealth và 10 ngân hàng toàn cầu khác thiết lập một mô phỏng giao dịch blockchain trong tháng 1/2016 với nền tảng điện toán đám mây Microsofts Azure. Đến tháng 3/2016 thì việc thử nghiệm này được mở rộng hơn đến với các nhà cung cấp công nghệ blockchain như IBM, Intel và Ethereum.

Mọi thứ đều là dịch vụ

Cạnh tranh blockchain giữa các đại gia công nghệ đang phát triển nhanh chóng. Những ngày kiếm tiền từ kinh doanh phần cứng máy tính đang nhanh chóng phai tàn và ngày nay số tiền họ kiếm được đến từ việc bán các sản phẩm như dịch vụ dựa nền tảng điện toán đám mây. Những dịch vụ đáng chú ý mà người dùng có thể thường gặp như “Software as a service” (SaaS), điển hình là ứng dụng văn phòng Ofice 365. Nhưng đó cũng như “Infrastructure as a service - cơ sở hạ tầng như một dịch vụ (IaaS), nơi các công ty công nghệ cao cung cấp phần cứng ảo trên Internet và cung cấp máy chủ doanh nghiệp có quy mô hoạt động lớn có khả năng đáp ứng nhu cầu của nhiều tập đoàn.

Và xu hướng ngày nay là tất cả mọi thứ đều có thể trở thành dịch vụ, Microsoft hiện đang cung cấp nền tảng “Blockchain as a service’ (BaaS), là hệ thống máy chủ chứa các sổ cái blockchain không chỉ cho ngân hàng mà còn đáp ứng các tổ chức tài chính khác. IBM và Amazon cũng xuất hiện như là các đối tác chuyên cung cấp điện toán đám mây phục vụ cho dịch vụ blockchain. Trong khi đó, Intel đã công bố công nghệ phân phối sổ cái riêng của mình có tên mã là “Sawtooth Lake” dưới sự hỗ trợ của Hyperledger và Linux Foundation. Ngoài ra dự án Hyperledger còn biết đến khi cung cấp nền tảng mã mở dành cho Iroha – giao thức đến từ Nhật Bản với sự tham gia của các công ty chuyên về blockchain như Soramitsu, NTT Data và Colu Israel.

Tương lai của việc làm trong ngành tài chính?

Công nghệ mới đặt ra những câu hỏi về việc làm trong ngành tài chính. Không chỉ có trí tuệ nhân tạo mà sự bùng nổ những công nghệ mới như blockchain khiến lĩnh vực tài chính có nhiều sự thay đổi. Sự phát triển của công nghệ tài chính hay còn gọi là “Fintech” có thể dẫn đến thay đổi đáng kể trong các dịch vụ tài chính. Một báo cáo của Citigroup phát hành vào cuối tháng 3 dự báo rằng khoảng 1,7 triệu việc làm có thể bị mất khi công nghệ đột phá được ứng dụng trong các ngành công nghiệp ở Mỹ và châu Âu trong 10 năm tới - tương đương với 30% lực lượng lao động ngành công nghiệp hiện nay. Điều này không thể tránh khỏi khi lĩnh vực ngân hàng trực tuyến đang bùng nổ hoặc những công nghệ giúp cắt giảm chi phí như blockchain được đưa vào sử dụng.

Kỳ vọng thái quá về blockchain?

Theo nhà phân tích thị trường Gartner, trong bản báo cáo Hype Cycle for Emerging Technologies hồi 2015 chỉ ra rằng đồng tiền điện tử nói chung vẫn ở mức cao cấp so với các công nghệ mới nổi. Jamie Dimon - giám đốc điều hành của công ty dịch vụ tài chính JP Morgan cho rằng đồng tiền điện tử như Bitcoin phải đương đầu với các chính sách kiểm soát của chính phủ. Không phải ai cũng cùng chung quan điểm rằng blockchain sẽ là một phần tương lai của thế giới. Trong khi nhiều người bao gồm Dimon thừa nhận tiềm năng của công nghệ blockchain nhưng cũng rất nhiều người đặt câu hỏi về vai trò của nó như thế nào trong các ngành công nghiệp tài chính.

Ngân hàng Trung ương châu Âu công bố một báo cáo hồi tháng 4/2016 với chủ đề “Công nghệ phân phối sổ cái” và kết luận rằng mặc dù blockchain có tiềm năng nhưng liệu nó có thể là bước nhảy vọt đối với thị trường tài chính hay không? Blockchain có nhiều khả năng tạo nên sự thay đổi dần dần trong một quá trình chứ không phải là một cuộc cách mạng.

Bầu cử điện tử

Để sử dụng tương tự tiền điện tử, mô hình blockchain bỏ phiếu sẽ phát hành mỗi cử tri một "ví tiền" (chứng thực người dùng) và một “đồng xu” duy nhất (cơ hội để bỏ phiếu) và họ đã bỏ phiếu bằng cách chuyển “đồng xu” của họ đến ví của các ứng cử viên họ lựa chọn. Cử tri chỉ có thể chi tiêu đồng tiền bằng cách bỏ phiếu một lần sử dụng duy nhất, ngoài ra sẽ có sự linh hoạt để thay đổi phiếu bầu của họ trước thời hạn.

Đối với an ninh bảo mật, cơ chế phân cấp blockchain và không có điểm cuối cùng của hệ thống (máy chủ) nên việc đầu tiên là có khả năng chống tấn công từ chối dịch vụ và các mối đe dọa khác mà thường được gặp đối với kiến trúc client/server.

Hơn nữa, bỏ phiếu blockchain dựa trên thể loại bỏ một số các kịch bản lừa đảo mà có thể có trong hệ thống bầu cử trên giấy, chẳng hạn như chuyển đổi hoặc thay thế các hòm phiếu với những người gian lận.

Tại Mỹ, trong cuộc bầu cửa tổng thống vừa qua cũng diễn ra một số thử nghiệm của các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực blockchain. Công ty Follow My Vote sử dụng nền tảng BitShares blockchain cho phép các cử tri cầu cử trực tuyến và sử dụng webcam và ID do chính phủ cấp để xác thực bản thân. Ngoài ra còn còn có New York thử nghiệm hệ thống bầu cử blockchain cùng với các lá phiếu giấy sử dụng mã QR để đảm bảo mỗi phiếu là chỉ diễn một lần.

Tại châu Âu, các đảng chính trị Liên minh Tự do của Đan Mạch đã chọn sử dụng blockchain bỏ phiếu nội bộ của mình trong năm 2014.

Nhưng kể từ khi xuất hiện đến nay, blockchain chỉ mới nằm trong vòng thử nghiệm, có thể nó cần thêm thời gian hoàn thiện trước khi được ứng dụng chính thức. Trong khi blockchain chính nó là rất an toàn, các khóa riêng và mật mã để bảo đảm sự an toàn của tài khoản người dùng (hoặc ví) lại có thể trở thành một điểm nhiều rủi ro khi nếu bị mất hoặc nếu họ rơi vào tay của người sử dụng với mục đích xấu.


Thạch An
Nguồn: PC World VN 12/2016
[blockchain-xu-huong-moi-trong-tuong-lai].
Ngày đăng 13/07/2017

Về tác giả

Advertisement

Post a Comment

 
Top